Hỏi đáp về kỹ thuật trồng cây thanh long theo phương pháp mới (kỳ 6)

Cây trồng liên quan: Cây thanh long

51. Hỏi: Có cần tủ gốc thanh long không?

Đáp: Rất cần vì đấy là điều kiện cần để giữ ẩm cho gốc thanh long.

52. Hỏi: Nên trồng các loại rau đậu quanh gốc thanh long để giữ độ ẩm không?

Đáp: Tuyệt đối là không vì các loại này sẽ tranh với thanh long mà hấp thụ (hút vào và tiêu thụ) các chất bổ (dinh dưỡng cây trồng) của phân mà nhà vườn đã bón.

53. Hỏi: Vậy tủ gốc thanh long bằng vật liệu gì là thích hợp nhất?

Đáp: Nên dùng rơm rạ, hoặc gần nơi có ép mía thì dùng xác mía ép ra để tủ gốc.

Các vật liệu này một thời gian sau sẽ tự phân hủy thành phân hữu cơ, rất có lợi cho gốc thanh long.

Tủ gốc bằng rơm rạ và bón thêm phân hữu cơ cho thanh long

Tủ gốc bằng rơm rạ và bón thêm phân hữu cơ cho thanh long

54. Hỏi: Tủ gốc thanh long còn có lợi gì ngoài việc giữ độ ẩm cho bộ rễ?

Đáp: Các loại phân hữu cơ không bị ánh nắng mặt trời phân hủy, bốc hơi, rất phí. Ngoài ra việc giữ ẩm bộ rễ còn giúp cho rễ hấp thụ (hút vào và tiêu thụ) các chất dinh dưỡng được tốt hơn.

55. Hỏi: Nếu không trồng xen các loại rau, đậu ở gốc thanh long thì làm sao có thu nhập để lấy ngắn nuôi dài? Và các loại rau đậu này còn cho nguồn phân xanh rất tốt cho gốc thanh long?

Đáp: Nên chăn nuôi gà, vịt, heo và thả cá ở dưới các ao nước để lấy ngắn nuôi dài.

Còn các dây rau đậu tuy là nguồn phân xanh rất tốt, nhưng chúng tranh ăn các chất dinh dưỡng với các gốc thanh long. Lợi ít hại nhiều.

56. Hỏi: Vậy cần nhổ cỏ quanh gốc thanh long cho sạch?

Đáp: Dĩ nhiên là phải nhổ không còn một gốc cỏ nào cả, đấy là việc phải làm để các gốc thanh long được tốt.

57. Hỏi: Mức nước các ao so với gốc thanh long thế nào?

Đáp: Mức nước ở các ao ấy cao tối đa là 20cm so với mặt đất. Và mặt đất trồng thanh long có phân trộn lẫn vào là 30cm. Nếu tạo ao đúng như thế này, thì độ ẩm rất tốt để giúp cho bộ rễ hấp thụ các chất bổ trong lớp đất 30cm, mà chúng ta đã dày công dọn, trước khi đặt hom thanh long.

Kỹ thuật trồng cây thanh long

58. Hỏi: Nếu mức nước như thế này thì không cần tưới vào mùa nắng, có được không?

Đáp: Mùa nắng nên tưới cầu vồng để từ ngọn suốt xuống, chớ không cần tưới dưới gốc. Việc tưới này có lợi làm cho cây thanh long lúc nào cũng xanh, dĩ nhiên là sẽ cho nhiều hoa, đậu nhiều quả.

Cần lưu ý là tưới thanh long vào mùa nắng, làm cho các cành thanh long rất tốt, sẽ có màu xanh đậm. Đây là một màu lý tưởng mà các nhà vườn trồng thanh long rất ưa thích.

59. Hỏi: Các loại phân hữu cơ dùng cho việc dọn đất trồng thanh long là loại nào?

Đáp: Đấy là loại phân chuồng như trâu, bò, heo. Ngoài ra các loại phân gà, phân dơi, phân dê đều rất tốt, tuy nhiên cần phải ủ cho hoai mới dùng được, dùng để trộn vào các loại phân khác.

60. Hỏi: Ủ phân chuồng cách nào?

Đáp: Trước hết nói về ủ phân trâu, bò, heo gồm có hai cách là ủ trong hầm và ủ trên mặt đất. Cả hai cách đều có những ưu điểm và nhược điểm cần hiểu rõ.

Nguồn: theo Phan Kim Hồng Phúc
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status