Cây lúa

Sâu bệnh hại Cây lúa
Cẩm nang cây lúa (rice): Thông tin chung, sâu bệnh hại cây lúa, cách trồng và chăm sóc cây lúa - các bài viết liên quan...
Tên tiếng anh/Tên khoa học: Rice

Tên khoa học: Oryza sativa

Lúa gạo là một loại lương thực quan trọng đối với 3,5 tỷ người (chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ La tinh), chiếm 50% dân số thế giới.

Nguồn gốc: Xem bài viết Nguồn gốc lúa gạo trên thế giới và tại Việt Nam

Diện tích trồng lúa tại Việt Nam: ước tính 7,8 triệu ha (năm 2015)

Năng suất bình quân: đạt 57,7 tạ/ha (năm 2015)

Mô tả sơ bộ về cây lúa

Mô tả cây lúa, hình thái sinh học cây lúa

Cây lúa có chiều cao từ 1m - 1,8m, với các lá mỏng, hẹp khoảng 2-2,5 cm và dài 50 –100 cm. Tuỳ thời kì sinh trưởng, phát triển mà lá lúa có màu khác nhau. Khi lúa chín ngả sang màu vàng. Các hoa nhỏ tự thụ phấn mọc thành các cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống, dài 35–50 cm. 

Thời gian sinh trưởng của cây lúa: Tính từ lúc hạt lúa nẩy mầm đến lúc thu hoạch (dao động khoảng 90-180 ngày đối với các giống lúa hiện trồng).

+ Thời gian sinh trưởng ruộng lúa cấy = Thời gian ruộng mạ + Thời gian ruộng cấy.

+ Thời gian sinh trưởng ruộng lúa gieo thẳng = Thời gian lúc thu hoạch - lúc gieo hạt

Sơ đồ mô tả quá trình phát triển của cây lúa

Quá trình sinh trưởng của cây lúa

Nếu tính theo thời kỳ sinh trưởng thì cây lúa có 3 thời kỳ sinh trưởng chính:

1. Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng: tính từ lúc hạt thóc nảy mầm đến khi bắt đầu vào giai đoạn phân hoá hoa lúa (trên thực tế người ta tính từ khi gieo mạ, cấy lúa, cây lúa đẻ nhánh tới số nhánh tối đa)

2. Thời kỳ sinh trưởng sinh thực: tính từ lúc bắt đầu phân hoá hoa lúa đến khi lúa trỗ bông và thụ tinh (bao gồm từ: làm đòng - phân hoá đòng, đến trỗ bông - bông lúa thoát khỏi lá đòng, nở hoa, tung phấn, thụ tinh.

3. Thời kỳ chín: sau khi thụ tinh, bông lúa bước vào kỳ chín, kết thúc thời kỳ này là bông lúa chín hoàn toàn, sau đó tiến hành thu hoạch hạt thóc.

Sản phẩm thu được từ cây lúa

Sản phẩm thu được từ cây lúa là hạt lúa. Sau khi xát bỏ lớp vỏ ngoài thu được sản phẩm chính là gạo và các phụ phẩm là cám và trấu. Hạt lúa nhỏ, cứng dài 5 – 12 mm và dày 2 – 3 mm.

Hạt gạo thường có màu trắng, nâu hoặc đỏ thẫm, chứa nhiều dinh dưỡng. Hạt gạo sau khi xay được gọi là gạo lứt hay gạo lật, nếu tiếp tục xát để tách cám thì gọi là gạo xát hay gạo trắng.

Thành phần dinh dưỡng của hạt gạo

Trong lúa gạo có đầy đủ các chất dinh dưỡng như:

- Tinh bột: Là nguồn chủ yếu cung cấp calo. Tinh bột chiếm 62,4% trọng lượng hạt gạo. Tinh bột trong hạt gạo gồm có amyloza có cấu tạo mạch thẳng, có nhiều trong gạo tẻ và amylopectin có cấu tạo mạch ngang (mạch nhánh), có nhiều trong gạo nếp. Hàm lượng amyloza và amylopectin quyết định độ dẻo của hạt gạo. Gạo tẻ có từ 10% ÷ 45% hàm lượng amyloza. Gạo nếp có từ 1 ÷ 9% hàm lượng amyloza. 4

- Protein: Thường chiếm 7 ÷ 9% trong hạt gạo. Gần đây có các giống lúa mới có hàm lượng protein lên tới 10 ÷ 11%. Gạo nếp thường có hàm lượng protein cao hơn gạo tẻ.

- Lipit: Phân bố chủ yếu ở lớp vỏ gạo. Nếu ở gạo lứt (gạo còn nguyên vỏ cám) hàm lượng lipit là 2,02% thì ở gạo chà trắng (gạo đã bóc hết vỏ cám) chỉ còn 0,52%.

- Vitamin: Trong lúa gạo còn có một số vitamin nhất là vitamin nhóm B như B1, B2, B6, PP, … lượng vitamin B1 là 0,45mg/100 hạt, phân bố ở phôi 4%, vỏ cám 34,5%, trong hạt gạo chỉ có 3,8%.

Từ những dinh dưỡng có trong hạt gạo, nên đã từ lâu lúa gạo được coi là nguồn thực phẩm và dược phẩm có giá trị. Tổ chức dinh dưỡng Quốc tế đã gọi : “Hạt gạo là hạt của sự sống”. Để đảm bảo giá trị dinh dưỡng của hạt cần lưu ý đến công nghệ sau thu hoạch, chọn tạo giống có phẩm chất gạo tốt, đầu tư các biện pháp kỹ thuật trồng trọt phù hợp.

Giá trị sử dụng của lúa gạo và cây lúa

Con người mà còn dùng để chế biến được nhiều mặt hàng khác như bún, bánh, mỹ nghệ, kỹ nghệ, chế biến công nghiệp, … lúa gạo còn là nguồn nguyên liệu quý sản xuất tân dược. Những sản phẩm phụ của cây lúa như rơm, rạ, cám, … còn là thức ăn tốt cho chăn nuôi, từ rơm rạ người ta sản xuất ra những loại giấy và cacton chất lượng cao. Rơm, rạ còn được dùng để làm giá thể nuôi trồng những loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao. Sau khi thu hoạch, phần rơm rạ còn sót lại trên ruộng có tác dụng cải tạo đất, làm tăng độ phì của đất và làm môi trường tốt cho vi sinh vật sống và hoạt động.

Ngoài giá trị sử dụng chính để làm lương thực, các giá trị sử dụng khác được kể đến như:

- Gạo, tấm dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu, bia, bún, bánh, kẹo, thuốc chữa bệnh, …

- Cám

+ Dùng để sản xuất thức ăn cho chăn nuôi.

+ Dùng để sản xuất vitamin B1 chữa bệnh tê phù.

+ Dùng để ép dầu

+ Dùng để chế tạo sơn cao cấp, làm mỹ phẩm, chế xà phòng

- Trấu

+ Sản xuất nấm men, làm thức ăn cho gia súc

+ Sản xuất tấm cách âm. Sản xuất silic.

+ Làm chất đốt, chất độn chuồng

- Rơm rạ:

+ Dùng để sản xuất giấy, cacton xây dựng, đồ gia dụng.

+ Dùng rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc

+ Làm giá thể để sản xuất nấm rơm

+ Làm chất đốt, chất độn chuồng, phân bón, … 

Ruộng lúa vùng Tây Bắc Việt Nam

Admin tổng hợp từ: Wikipedia, vaas.org.vn, Tổng cục thống kê, Giáo trình cây lương thực - Trường Cao Đẳng Cơ Điện và Nông nghiệp Nam Bộ

Xem thêm chủ đề: cây lúa
DMCA.com Protection Status