Bọ trĩ, rầy lửa, bù lạch

Tên khoa học: Thrips sp.

Đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái và gây hại của bọ trĩ, bù lạch

Bọ trĩ Thrips Palmi

Bọ trĩ Thrips Palmi

Bọ trĩ loài Scirtothrips dosalis

Bọ trĩ  Scirtothrips dosalis

  • Đặc điểm hình thái

- Trưởng thành nhỏ, dài 1-2 mm có màu vàng đậm hoặc nâu đen (khó nhìn thấy bằng mắt thường), râu đầu dài, chiếm 1/3 thân, 2 đuôi cánh hẹp, cánh trước ở phần giữa thắt lại. Trưởng thành đẻ trứng rải rác trong mô lá.

- Trứng nhỏ mới đẻ màu trắng sữa, gần nở có màu vàng nhạt, thường đẻ ở búp lá.

- Trĩ non hình dạng giống trưởng thành có màu trắng vàng đến vàng, không có cánh.

  • Đặc điểm sinh học của bọ trĩ, bù lạch

Vòng đời của bọ trĩ, bù lạch

Vòng đời bọ trĩ, bù lạch

- Trứng: 3-4 ngày

- Ấu trùng 10-14 ngày

- Trưởng thành: có thể sống đến 3 tuần Bọ trĩ hoạt động cả ban ngày và ban đêm, ban ngày chúng hoạt động tương đối nhanh nhẹn khi bị khua động chúng lẫn tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất. Chúng ẩn lấp trong lá nõn hoặc các chót lá quăn do không ưa ánh sáng trực xạ. Khi trời râm mát chúng bò ra ngoài.

- Tỷ lệ đực cái chênh lệch nhau rất lớn: 95% là con cái và 5% là con đực, những con đực không có vai trò sinh sản gì trong loài. Bọ trĩ sinh sản đơn tính là chủ yếu.

Đặc điểm, triệu chứng gây hại của bọ trĩ, bù lạch

- Bọ trĩ có thể gây hại tất cả các giai đoạn phát triển của cây nhưng thường phát triển gây hại nặng ở thời kỳ cây con từ khi ra lá đến khi có bông (có hoa, có đòng).

- Bọ trĩ di chuyển rất nhanh, thường ở dưới mặt lá non, chích hút nhựa lá làm lá bị vàng, cây cằn cổi, kém phát triển, ngoài ra còn có khả năng truyền bệnh virus cho cây.

- Trưởng thành và bọ non chích hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại, khi mật độ cao làm lá vàng, cây chùn đọt, sinh trưởng phát triển kém.

- Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có tính kháng thuốc cao. Gặp điều kiện thích hợp, bọ trĩ phát triển rất nhanh, dễ gây thành dịch, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất của cây trồng, mùa mưa bọ trĩ gây hại nhẹ hơn.

Bọ trĩ, bù lạch hại cây lúa

Tên tiếng anh: Rice Thrips

  • Đặc điểm gây hại trên cây lúa

Bọ trĩ trưởng thành và non đều hút nhựa lá làm cho lá có màu vàng đỏ. Khi mật độ thấp xuất hiện những chấm nhỏ xếp theo hàng dọc trên lá, lá non hầu như bị quăn lại, không hồi phục được.

Bọ trĩ gây hại ngay từ khi cây lúa xuất hiện, mật độ tăng dần từ khi lúa hồi xanh đến đẻ nhánh sau đó giảm dần tới lúc lúa trỗ. Trời mưa lớn là bất lợi cho bọ trĩ. Bọ trĩ thường hại nặng những ruộng thiếu nước.

 

Bọ trĩ, bù lạch (Stenchaetothrips biformis) hại cây lúa

  • Biện pháp phòng trừ bọ trĩ, bù lạch trên cây lúa

- Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, nhất là cỏ môi cũng là ký chủ chính của bọ trĩ.

+ Gieo cấy mật độ vừa phải, giữ nước ổn định không để ruộng khô, bón phân cân đối.

+ Sau khi bọ trĩ phá hoại, bón thêm ure giúp cây hồi phục nhanh.

- Biện pháp hóa học:

+ Khi bọ trĩ phá hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc gốc Imidacloprid (Confidor, Gaucho,…), Fipronil (Regent…) để phòng trừ.

+ Lưu ý: Đối với những ruộng lúa non, cạn nước, khi mật số bọ trĩ cao cần điều tra số lượng thiên địch trước khi quyết định xử lý thuốc.

Bọ trĩ, bù lạch hại cây hoa màu

  • Đặc điểm gây hại trên cây hoa màu

Trưởng thành và trĩ non thường tập trung trên lá ngọn chích hút nhựa cây trên lá làm cho lá vàng, ngọn dưa quăn queo, cây còi cọc, hoa rụng, quả ít và nhỏ, hại nặng trong thời kỳ cây con có thể làm cho cây chết.

Bọ trĩ gây hại và truyền bệnh cho cây ớt

(A) Bệnh virus trên ớt do bọ trĩ truyền bệnh; (B) Bọ trĩ trưởng thành; (C) Bọ trĩ chích hút truyền bệnh siêu vi khuẩn (virus) cho cây.

Bọ trĩ và triệu chứng gây hại trên dưa leo; Triệu chứng bệnh khảm hoa lá dưa leo

Triệu chứng bọ trĩ trên cây dưa hấu

Bệnh “Đầu lân” do bọ trĩ gây ra trên cây dưa hấu

Bọ trĩ gây hại nặng làm đọt non sượng, ngóc đầu lên cao, hiện tượng này nông dân gọi là dưa “đầu lân” hay “bắn máy bay”. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm cho cây dưa.

  • Biện pháp phòng trừ bọ trĩ, bù lạch trên cây hoa màu

- Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

+ Che phủ bằng rơm rạ, ngăn ngừa cỏ dại tạo điều kiện thông thoáng và tiêu diệt ký chủ phụ, che phủ bằng lá thuốc lá có thể tiêu diệt bọ trĩ. Tưới nước mạnh trên lá cũng có thể rửa trôi bọ trĩ. Ngoài ra chăm sóc cây sinh trưởng tốt, đảm bảo đủ nước làm giảm thiệt hại của bọ trĩ gây ra đặc biệt trong thời kỳ cây con. Dọn sạch tàn dư vụ trước.

+ Nên trồng luân canh với những loại cây trồng khác (trừ họ bầu, bí, dưa).

+ Sử dụng màng phủ nông nghiệp.

+ Mùa vụ trồng tập trung, mật độ trồng theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật.

+ Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện bọ trĩ.

+ Chăm sóc cho cây trồng khỏe mạnh.

+ Tránh bón nhiều phân đạm

+ Trong mùa khô nóng, tưới phun mưa để duy trì độ ẩm, mát cho ruộng hoa màu.

- Biện pháp vật lý: sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc xanh da trời có thể thu hút bọ trĩ trưởng thành.

- Biện pháp sinh học: Khuyến khích hoặc sử dụng các loài bọ rùa, ong ký sinh Ceranisus sp.

- Biện pháp hóa học: Khi mật số cao có thể sử dụng có nhiều loại thuốc có hiệu quả như Confidor, Hopsan, Trebon, Cyperin, Pyrinex, Actara 25 WG, Admire 050 EC, Confidor 100S, JUST 050EC, DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, VITASHIELD GOLD 600EC, TASODANT 600EC, RAMBO 5SC, ... ... Có thể dùng dầu khoáng.

Lưu ý: Bọ trĩ, bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, khi thấy vài con trên 1 đọt non cần phun các thuốc có hoạt chất Pymetrozin, Lufenuron, Emamectin hay hỗn hợp (Chlorantraniliprole + Abamectin)…

Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát vì lúc này bọ trĩ bò ra ngoài nên thuốc dễ dàng tiếp xúc và cho hiệu quả cao, đồng thời cũng nên phun luân phiên các loại thuốc khác nhau để tránh hiện tượng bọ trĩ kháng thuốc.

Bọ trĩ, bù lạch hại cây có múi

  • Đặc điểm gây hại trên cây có múi

Bọ trĩ Scirtothrips dorsalis

(A) Bọ trĩ, bù lạch (Scirtothrips dorsalis) trưởng thành; (B) Lá bị hại; (C) Trái bị bọ trĩ hại

Bọ trĩ gây hại trên trái tạo ra đường vòng màu trắng như da cám ở quanh cuống. Thường tập trung chích hút ở mặt dưới làm lá cam biến màu nâu vàng và cong lại. Trên vỏ trái non, bọ trĩ chích vào tế bào biểu bì tạo thành những mảng sẹo màu trắng xám. Do bọ tập trung gây hại ở phía dưới lá đài hoa nên khi trái lớn những mảng sẹo này lộ ra ngoài thành những đường sẹo vòng quanh cuống rất điển hình.

  • Biện pháp phòng trừ bọ trĩ, bù lạch trên cây có múi

- Bọ trĩ thường phát triển gây hại nhiều trong điều kiện khô nóng nên dùng vòi tưới phun mưa, tạo ẩm độ và mát mẻ cho vườn cây.

- Dùng các thuốc có hiệu quả cao với bọ trĩ như Pymetrozin, (Chlorantraniliprole + Abamectin)… nên phun lúc trái cam lớn bằng đầu ngón tay.

Bọ trĩ, bù lạch hại cây thanh long

  • Đặc điểm gây hại trên cây thanh long

Bọ trĩ, bù lạch hại thanh long

(A) Bọ trĩ giai đoạn tiền nhộng; (B) Bọ trĩ trưởng thành; (C) Triệu chứng bọ trĩ gây hại trên trái

Bọ trĩ chích hút nhựa hoa và trái non làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái và gây hiện tượng “mắt võng” trên vỏ trái, tuy không làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng trái nhưng cũng làm giảm giá trị thương phẩm.

  • Biện pháp phòng trừ bọ trĩ, bù lạch trên cây thanh long

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt.

- Trong mùa khô nóng, tưới đều đặn bằng cách phun mưa để cho vườn cây ẩm và mát, hạn chế bọ trĩ phát triển.

Lưu ý: Bọ trĩ có sức kháng thuốc mạnh nên cần dùng luân phiên các hoạt chất Pymetrozin, Emamectin với Lufenuron…

Bọ trĩ, bù lạch hại cây xoài

  • Đặc điểm gây hại trên cây xoài

Cả trưởng thành và ấu trùng đều tập trung ở bộ phận non của cây để chích hút nhựa. Trên lá non, làm lá thâm đen và cong queo, mép lá cụp xuống, trên trái tạo thành vùng da cám xung quanh cuống trái và tạo vết thương giúp vi khuẩn xâm nhập gây bệnh xì mủ trái, gây hại nặng có thể làm cho cả hoa xoài cháy khô. Bù lạch phát triển mạnh khi thời tiết nắng nóng, sinh sản rất nhanh nên rất mau kháng thuốc.

(A) Scirtothrips dorsalis Hood; (B) Frankinella sp.; (C) Bọ trĩ gây hại làm xoắn chồi non

(A) Scirtothrips dorsalis Hood; (B) Frankinella sp.; (C) Bọ trĩ gây hại làm xoắn chồi non

(D) Lá bị bọ trĩ gây hại; (E) Chồi non bị hại; (F) Bọ trĩ gây hại làm xoắn chồi non.

(D) Lá bị bọ trĩ gây hại; (E) Chồi non bị hại; (F) Bọ trĩ gây hại làm xoắn chồi non.

  • Biện pháp phòng trừ bọ trĩ, bù lạch trên cây xoài

- Dùng vòi nước áp lực cao phun phía dưới mặt lá.

- Dùng dầu khoáng DS 98.8 EC + Chess 50WG phun lúc cây ra đọt và lá non giúp ngừa được cả rầy bông xoài và sâu đục đọt xoài, không phun dầu khoáng giai đoạn hoa đang nở. Phun đồng loạt trên khu vực rộng sẽ có hiệu quả cao hơn.

Bọ trĩ, bù lạch hại cây măng cụt

  • Triệu chứng và tác hại của bọ trĩ hại măng cụt

Trên hoa: Bọ trĩ chích hút làm hoa bị khô và rụng.

Trên trái: Bọ trĩ chích hút nhựa làm trái chảy nhựa tạo thành các vết sẹo trên vỏ trái (hình 6.3.2), làm giảm chất lượng và giá trị trái.

Triệu chứng trái bị bọ trĩ hại

Triệu chứng trái bị bọ trĩ hại

  • Biện pháp phòng trừ bọ trĩ hại măng cụt

Tỉa cành tạo tán để vườn cây thông thoáng.

Gom và tiêu hủy hoa rụng và trái bị nhiễm nặng đem tiêu hủy.

Dùng các loại thuốc như: Confidor, Polytrin, Sherzol, Sherpa, pyrinex, Dragon, Fenbis,...

Bọ trĩ, bù lạch hại cây hành, tỏi, kiệu

  • Triệu chứng và tác hại của bọ trĩ, bù lạch hại cây hành tỏi kiệu

Bọ trĩ non và trưởng thành dùng miệng chích vào mô cây để hút dinh dưỡng làm cho cây sinh trưởng kém. Lá bị hại nhẹ trên bề mặt lá có nhiều vết chấm nhỏ, khi bị hại nặng lá bị kéo, biến màu vàng sau chuyển sang màu nâu đen. Khi bị hại nặng lá quăn queo, lá non biến dạng và bị cong xuống phía dưới.

Bọ trĩ hại lá hành

Vết hại trên lá do bọ trĩ

Bọ trĩ thường phân bố tập trung dọc theo rìa lá. Dùng tay ướt vuốt nhẹ mép lá có thể thấy bọ trĩ bám vào. Đây cũng là cách dùng để nhận biết cây bị hại.

  • Đặc điểm sinh sống và quy luật phát sinh gây hại của bọ trĩ hại lá hành, tỏi, kiệu

Bọ trĩ non và trưởng thành thường sống ở mặt dưới lá. Bọ trĩ trưởng thành đẻ trứng trong mô lá.

Bọ trĩ phát sinh mạnh vào mùa xuân khi nhiệt độ bắt đầu tăng. Vụ tỏi đông ít bị hại hơn.

Thời gian sống của bọ trĩ trưởng thành khoảng 1 tháng, thời gian đẻ trứng kéo dài từ 14 - 21 tuần.

  • Biện pháp phòng trừ của bọ trĩ hại lá hành, tỏi, kiệu

+ Vệ sinh đồng ruộng thu dọn tàn dư cây vụ trước đem chôn.

+ Dùng bẫy màu vàng từ khi cây con để diệt bọ trĩ non tuổi lớn và trưởng thành..

+ Sử dụng thuốc hoá học: Dùng các loại thuốc như Actara hoặc Vertimec kết hợp với dầu khoáng để phun

Nên thay đổi thuốc thường xuyên để tránh bọ trĩ quen thuốc.

Bọ trĩ, bù lạch hại cây bông vải

  • Triệu chứng gây hại của bọ trĩ, bù lạch

Giai đoạn ra lá mầm nếu bị bọ trĩ gây hại trên lá xuất hiện những vết bẩn màu xanh, khi bị nặng lá mầm bị mất màu xanh, chuyển sang màu xám bẩn, lá cong queo, mép lá uốn cong về phía dưới, lá khô giòn, dễ bị rụng gãy. Lúc này các vết bẩn màu xám ở mặt dưới lá chuyển sang màu ánh bạc.

Khi cây có lá thật, bọ trĩ chích hút nhựa ở chồi và lá non mới nhú, nếu bị nặng sẽ làm cho chồi, lá non và đỉnh sinh trưởng bị thui chột, cây bông ngừng sinh trưởng và chết. Cũng như trên lá sò, bọ trĩ thường gây hại ở mặt dưới của các lá thật, tập trung gần gân lá.

Lá bông bình thường và lá bông bị bọ trĩ gây hại

Lá bông bình thường và lá bông bị bọ trĩ gây hại

Cây bông bị bọ trĩ gây hại

Cây bông bị bọ trĩ gây hại

Tuy nhiên với mật độ cao thì sự gây hại xảy ra trên toàn bộ lá. Lúc đầu các lá thật bị hại có màu xám xanh ở gần các gân lá, sau đó lan rộng ra và chuyển dần sang màu ánh bạc.

Lá bị hại trở nên nhăn nhúm, mo cứng lại, khô giòn và dễ bị rụng, nhất là các lá ở tầng dưới bị rụng rất nhanh.

Cây bông khi bị bọ trĩ gây hại cằn cỗi, chậm phát triểm lá sù sì biến dạng; nụ, hoa, quả non bị rụng, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất.

  • Biện pháp phòng trừ bọ trĩ trên cây bông vải

- Sử dụng các loài thiên địch để hạn chế sự phát sinh phát triển của bọ trĩ.

Bọ xít đen ăn bọ trĩ

Bọ xít đen ăn bọ trĩ

- Trồng bông có màng phủ PE để có tác dụng hạn chế sự gây hại của bọ trĩ.

- Làm đất kỹ để diệt nhộng

- Dùng thuốc hoá học: phun vào các giai đoạn cây con khi có 1-2 con/lá và cây lớn khi có 5-10 con/lá:

+ Confidor 100SL, liều lượng 0,3 – 0,4 lít/ha . Admire 50EC, liều lượng 0,6 – 0,8 lít/ha .Đặc điểm gây hại.

Bọ trĩ, bù lạch hại cây cảnh, hoa cảnh, bonsai

- Bọ trĩ trưởng thành và ấu trùng đều chích hút dinh dưỡng ở lá non. Triệu chứng thể hiện dưới mặt lá non là 2 vệt màu xám song song với gân chính. Đọt non bị hại thường sần sùi, cứng và giòn, hai mép lá và chóp lá cong lên.

- Khi bị hại nặng lá bị vàng và dễ bị rụng, cây phát triển kém.

- Đối với cây hoa lan: Bọ trĩ thường tập trung vào những nơi cánh hoa xếp chồng lên nhau, hút nhựa và đẻ trứng lên đó, con non nở ra lại tiếp tục cắn và hại cây. Cành hoa và nụ khi bị sâu thường bị héo vàng và rụng, các nụ hoa bị sâu sau khi nở sẽ bị cong vẹo, cánh hoa bị sâu sẽ làm xuất hiện các vết đốm trắng, sau đó làm cho hoa bị biến màu, khô héo và mất đi vẻ đẹp vốn có của hoa lan.

Triệu chứng gây hại của bọ trí (bù lạch) trên cây mai vàng

Triệu chứng gây hại của bọ trí (bù lạch) trên cây mai vàng

  • Biện pháp phòng trị bọ trĩ, bù lạch hại cây cảnh, hoa cảnh

- Khi tưới nước cho cây cảnh (Cây mai, cây sanh...), dùng loại máy bơm có áp suất mạnh xịt thẳng vào những nơi cư trú của bọ trĩ để rửa trôi bớt chúng; mặt khác cũng sẽ làm giảm bớt được mật số của một số đối tượng dịch hại khác đang gây hại trên cây mai như nhện đỏ, rệp sáp…

- Khi mật số bọ trĩ cao có thể sử dụng một số loại thuốc như: Malvate 21EC, Trebon 10EC, Confidor 100SL, Admire 50EC, Regent 5SC, Vimite 10ND,

- Bifentox 30ND, Virigent 800WG…Về liều lượng và cách pha chế nên theo khuyến cáo có in sẵn trên nhãn thuốc.

- Dùng Sumicidin 5-15g/bình 8 lít để phun

- Khi phun, chú ý phun tập trung vào mặt dưới của lá non, đọt non. Ngoài ra, để hạn chế tác hại của bọ trĩ, nên trồng thưa để vườn cây cảnh luôn được thông thoáng.

Admin tổng hợp

Nguồn: Từ nhiều nguồn
DMCA.com Protection Status